Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của VNM có câu chuyện nới 100% cổ phần cho đối tác ngoại vẫn chưa nguôi ngoai.
Thực tế, theo chia sẻ của nhiều cổ đông, bên cạnh các mối quan tâm về hoạt động cốt lõi, đến lúc này, vấn đề nới room và lộ trình thoái vốn của SCIC là mối quan tâm hàng đầu của NĐT cả trong và ngoài nước đối với CTCP Sữa Việt Nam (VNM).
Nhớ lại một tuần trước khi ĐHCĐ của Vinamilk diễn ra, VNM thông qua phương án sẽ nới room lên 100% đã được lan truyền. Khi đó, nhiều NĐT kỳ vọng trong ĐHCĐ, sẽ có nhiều thông tin cụ thể từ phía cổ đông lớn (SCIC) về vấn đề này. Tuy nhiên, ĐHCĐ kết thúc, lời kết rõ ràng cho vấn đề này vẫn còn để ngỏ.
Hiện tại, SCIC là bên có tiếng nói quyết định trong các bước tiếp theo của lộ trình nới room. Mặc dù chưa có lộ trình cụ thể, với sức hút và sự quan tâm của NĐT đối với cổ phiếu VNM, một số nhóm cổ đông cho rằng đây là yếu tố tích cực đối với cổ phiếu này trong thời gian tới.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến hoài nghi về việc nới tỷ lệ room lên đối đa của Vinamilk lần này như một hành động “bán mình”. Bởi, thương hiệu Vinamilk trước nay là số 1 tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh với các thương hiệu ngoại cũng chỉ có một mình Vinamilk đủ lực. Trên thế giới, thương hiệu Vinamilk hiện có mặt ở hơn 42 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc... đồng thời đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ…
Nếu xét về con số, trong số hơn 40.233 tỷ đồng doanh số đạt được năm 2015 của Vinamilk, thị trường nước ngoài đóng góp tỷ trọng rất bất ngờ: Đạt 20% tổng doanh thu với gần 8.000 tỷ đồng; Doanh thu thị trường nước ngoài năm 2015 tăng trưởng 38% so với năm 2014 trong khi mức tăng trưởng doanh thu chung chỉ đạt hơn 14%.
Kể từ năm 2013 đến nay, thị trường nước ngoài là một chiến lược lớn trong tăng trưởng của Vinamilk. DN sữa này đạt hơn 4.400 tỷ đồng doanh thu thị trường nước ngoài vào năm 2013 và đến nay, thị trường này đã lớn bất ngờ, đạt gần gấp đôi sau 2 năm...
Rõ ràng, nếu DN này nới tỷ lệ room cổ phần 100% cho đối tác ngoại thì đồng nghĩa với chuyện thương hiệu Vinamilk tương lai sẽ không còn như trước, trường hợp xấu nhất là NĐT nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm cũng như tăng cường thiết lập mới hệ thống bán lẻ Việt Nam. Một khi hệ thống bán lẻ Việt Nam rơi vào tay NĐT nước ngoài, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do đằng sau các chuỗi bán lẻ ngoại là dòng hàng hóa ngoại vào theo.
Cũng vì những con số thống kê hoành tráng nên có thể hiểu, tới thời điểm này còn rất nhiều người băn khoăn về quyết định của ban lãnh đạo Vinamilk. Thế nhưng, đối với một số chuyên viên phân tích, đặc biệt những người luôn theo sát tình hình hoạt động Vinamilk, họ phần nào hiểu được nguyên nhân sâu xa của quyết định này.
Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu của VNM thực tế ghi nhận mức 2 tỷ USD, tương đương với 40.223 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế (LNST) cũng đạt tới 7.770 tỷ đồng (tăng 28%) nhờ mở rộng thị phần và hưởng lợi từ giá nguyên liệu sữa giảm. Tuy vậy, trong năm qua, giới kinh doanh của Vinamilk phải thừa nhận rằng sức ép cạnh tranh đến từ sự trỗi dậy của các đối thủ nhỏ (TH true Milk, Long Thanh Milk, Ba Vi Milk…) tăng cao. Điều này khiến DN sữa số 1 này phải gia tăng chi phí bán hàng để lấy thị phần từ đối thủ. Cũng chính vì lẽ đó, chi phí bán hàng năm 2015 tăng khoảng 45% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của chuyên viên phân tích Rồng Việt, ở khía cạnh tích cực, việc chi phí bán hàng tăng trong các năm qua không hoang phí mà nó giúp VNM giữ vững thị phần mà còn giành thêm thị phần từ các đối thủ. Đơn cử, ở mảng sữa nước, trong năm 2014, VNM nắm giữ 49% thị phần sữa nước thì đến hết năm 2015, thị phần này đã tăng lên 53%. Đối với dòng sữa bột, trong năm 2014, thị phần của VNM vào khoảng 25%, năm 2015 tăng lên mức 40%. Mảng yogurt thị phần duy trì mức cao, đạt 84%. Thế nhưng, thị phần của sữa đặc vẫn duy trì là 80%.
Có lẽ vì tình hình kinh doanh chưa thật sự khả quan, nên trong năm 2016, công ty đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, tương ứng với doanh thu 44.560 tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và LNST 8.266 tỷ đồng (tăng trưởng 6%). Vấn đề giới phân tích lo ngại hiện nay đến từ bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành sữa sẽ tác động hai chiều vào giá bán sữa đầu ra và các chi phí của DN. Do vậy, để đạt được mức tăng trưởng 11% (doanh thu) trong năm nay, VNM sẽ phải tiếp tục gia tăng chi phí bán hàng để giành thị phần từ các đối thủ.
Rõ ràng, Vinamilk cũng đã có những tiên liệu không tốt về cạnh tranh của DN trong tương lai nên quyết định nới room cho khối ngoại phần nào có lợi cho DN này củng cố nội lực. Dù rằng, đối với nhiều cổ đông, đây là điều đau lòng, nhưng âu nó cũng hợp với xu hướng cạnh tranh của các DN, đặc biệt những DN hoạt động trong ngành bán lẻ. Giá trị cổ phiếu của Vinamilk tới đây sẽ theo xu thế tăng chứ không giảm.